Nhiều người thường phải đeo những chiếc balo rất nặng. Việc này không chỉ khiến người đeo khó chịu mà còn gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cột sống. Nhiều người vẫn băn khoăn: có thật vậy không, chỉ là đeo balo nặng thôi mà?
Dù bạn đeo balo nặng như thế nào thì cột sống cũng không dễ bị cong vẹo. Cong vẹo cột sống thường do các dị tật bẩm sinh, chấn thương, bại não, nhiễm trùng, teo cơ hoặc loạn dưỡng cơ. Ngoài ra, tuổi tác, tư thế, viêm nhiễm cũng khiến cột sống bị lệch đi ít nhiều. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đeo balo nặng không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Nó vẫn gây ra một số loại chấn thương ở lưng.
1. Đeo balo quá nặng có khiến cột sống bị cong vẹo không?
Trên thực tế, không có mối liên hệ rõ ràng giữa việc đeo balo quá nặng và cong vẹo cột sống. Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong sang một bên, không nằm ở chính giữa lưng. Hai vai, hai bên eo không đồng đều; hông hoặc xương bả vai bên cao bên thấp chính là dấu hiệu của cong vẹo cột sống.
Tình trạng này xuất hiện ở mọi lứa tuổi, từ những bạn học sinh tiểu học, người đi làm đến các cụ già cao tuổi. Tuy nhiên, cong vẹo cột sống không quá phổ biến ở trẻ em dưới 11 tuổi. Đặc biệt ở tuổi dậy thì, do cột sống phát triển nhanh và mạnh, nên rất dễ bị cong vẹo. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các bé gái có nguy cơ bị cong vẹo cột sống cao hơn các bé trai. Thêm nữa, di truyền cũng là một trong những tác nhân quan trọng gây ra tình trạng cong vẹo. Nếu trong gia đình có người bị cong vẹo cột sống, các thành viên khác có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn hẳn người bình thường.
Những người bị cong vẹo xương sống thường không nhận ra. Vì biểu hiện của tình trạng này không rõ ràng. Phần lớn những người bị cong vẹo cột sống đang ở thể nhẹ. Thân người chỉ hơi bị nghiêng sang trái hoặc sang phải. Do cột sống bị lệch nên vai, hông, xương quai xanh cũng bị lệch theo. Cong vẹo cột sống nhẹ thường không cần can thiệp quá sâu. Ngược lại một số người bị cong vẹo nặng phải nhờ đến bác sĩ phẫu thuật.
Mặc dù balo không gây cong vẹo cột sống nhưng đeo balo quá nặng vẫn gây ra tình trạng lệch và một số vấn đề khác liên quan đến xương sống. Khi đeo balo nặng, cùng với việc đeo thấp do dây đai quá lỏng, bạn thường sẽ cúi đầu về phía trước. Do đó, cột sống không được giữ thẳng mà bị đẩy ra ngoài. Đeo balo nặng trong thời gian dài khiến hệ cơ xương yếu dần và mệt mỏi. Đồng thời, cột sống bị lệch, tư thế xấu, đau lưng, …
2. Thường xuyên đeo balo nặng có ảnh hưởng đến tình trạng vẹo cột sống không?
Câu trả lời chắc chắn là có. Khối lượng balo tăng lên đồng nghĩa với việc áp lực đặt lên cột sống càng lớn. Vì lý do này mà cột sống vốn đã cong nhẹ dễ trở nặng, phải nhờ đến can thiệp bên ngoài.
Để không gây ảnh hưởng đến cột sống, khi đeo balo, bạn hãy tập trung vào những lời khuyên dưới đây:
- Khối lượng balo không được vượt quá 10 – 15% tổng cân nặng của bạn.
- Luôn dùng hai dây đeo vai, không bao giờ đeo balo bằng một dây. Thêm nữa, dây đeo nên vừa vặn để balo ôm sát lưng, không bị lắc lư khi di chuyển. Nếu balo đung đưa sang hai bên, trọng tâm thay đổi liên tục sẽ gây ảnh hưởng đến cột sống.
- Chọn balo có dây quai dày, có đệm. Dây đai dày phân bổ khối lượng hợp lý, mềm mại ôm vào vai. Dây đeo mỏng sẽ siết chặt vào da.
- Chọn balo nhẹ, có dây đai hông và dây đeo xương ức. Hai loại dây này chủ yếu dùng để phân bổ khối lượng và giữ balo ổn định. Nếu balo không có hai loại dây này, bạn có thể mua lẻ ở ngoài và tự lắp.
- Chọn balo có nhiều túi và ngăn. Giống như các dây đai, các túi và ngăn chia đều áp lực, không đặt khối lượng quá lớn vào một khu vực.
- Không đeo balo thấp dưới eo 10 cm. Tốt nhất, balo nên dựa vào hông để hông chống chịu phần lớn khối lượng.
- Kích thước của balo cũng rất quan trọng. Balo càng lớn thì bạn càng muốn đựng nhiều đồ, do đó khối lượng tăng lên. Bạn chỉ nên chọn balo đúng với nhu cầu của mình.
Bất kì ai, từ người lớn đến trẻ em đều cần đeo balo đúng cách. Chỉ bằng việc này, balo sẽ không gây bất kì ảnh hưởng nào đến sức khỏe. Nếu bạn bị cong vẹo cột sống và không muốn đeo balo, bạn nên chuyển sang dùng túi nhỏ có hai dây quai, balo có bánh xe.
3. Đeo balo quá nặng có khiến người đeo bị đau lưng không?
Đeo balo sai cách và quá nặng (lớn hơn 20% cân nặng người đeo) trong thời gian dài có thể dẫn đến các cơn đau lưng triền miên và một số vấn đề về lưng khác. Do vậy, để giảm nguy cơ bị đau lưng, bất cứ khi nào có thể, bạn hãy đặt balo xuống đất để vai và lưng được nghỉ ngơi.
4. Những câu hỏi thường gặp
Dấu hiệu nhận việc cột sống bị cong vẹo
Cong vẹo cột sống biểu hiện khác nhau ở người lớn và trẻ em. Ngay khi cảm thấy lưng bị nhói đau hoặc người bị nghiêng, bạn nên đi khám ngay. Nếu muốn tự kiểm tra ở nhà, tốt nhất, bạn nên đứng trước gương và chú ý những bộ phận sau:
- Hai vai không đều nhau, bên thấp, bên cao
- Đầu hơi bị lệch sang một bên
- Xương sườn có vẻ bị nhô ra ngoài
- Một bên xương hông nhô ra
- Đau cơ và đau đầu do cong vẹo cột sống làm thay đổi dịch não tủy
Ở các phòng khám hoặc bệnh viện chỉnh hình, các bác sĩ thường sử dụng phương pháp đo góc Cobb để kiểm tra cong vẹo xương sống. Số đo góc vượt ra khỏi mức quy định càng nhiều thì cong vẹo cột sống càng nặng.
Những điều cần tránh khi bị cong vẹo cột sống
Cong vẹo cột sống không phải là bản án tử giống như các bệnh nan y khác, nhưng nó vẫn gây ảnh những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Để tình trạng này không trở nặng hơn, bạn cần tránh những điều sau:
- Đeo balo sai cách trong một khoảng thời gian dài
- Thường xuyên cúi đầu quá thấp để nhắn tin và dùng điện thoại
- Bơi lội, chơi bóng, tập thể dục mạnh khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ trị liệu
- Nằm sấp khi ngủ
- Nhảy lên xe hoặc lên tàu
- Mang vác vật nặng hay tập tạ
Cuối cùng, khi bị cong vẹo cột sống, bạn hãy tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia để trị liệu. Đừng trốn tránh hay ngại ngùng. Vì nếu không được chữa trị đúng cách, tình trạng cong vẹo sẽ nặng hơn, thậm chí phải dùng phẫu thuật để can thiệp.